Các món ăn tại hà giang – 5 món ăn độc đáo

5 món ăn độc đáo nhất ở Hà Giang

Hà Giang không chỉ là vùng núi nổi tiếng với hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang hay đèo núi cheo leo mà còn được biết đến với những món ăn làm say lòng du khách đi tour Hà Giang từ Hà Nội. Vậy Hà Giang có những món ăn gì độc đáo nhất? Hãy cùng chúng tôi điểm qua 5 món ăn độc đáo nhất ở Hà Giang nhé!

  1. Thắng cố

Trời se se, lành lạnh, du khách đi tour Hà Giang có một bát thắng cố nhâm nhi vớt chén rượu ngô Bắc Hà thì còn gì bằng. Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mong, sau trở thành món ăn phổ biết của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Nguyên bản món thắng cố là dùng thịt ngựa nhưng giờ người dân dùng cả thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, mỗi nơi lại có cách nấu, công thức riêng nhưng ngon nhất có lẽ vẫn là thắng cố ngựa ở Hà Giang.

Từ “thắng cố” bắt nguồn từ “thang cốt”, có nơi còn cho là biến âm của “thoảng cố” nghĩa là canh hầm.

Chế biến thắng cố rất đơn giản nhưng để nấu được ngon thì đều phải có bí quyết. Mổ ngựa xong, nội tạng được làm sạch, cắt miếng rồi ướp cùng gia vị. Gia vị truyền thống thường là muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm rồi xắt nhỏ, có nơi còn cho cả sả đập dập. Sau đó cho tất cả lên cùng một chảo to, dùng chính “mỡ ngựa rán ngựa”, tức là chỉ dùng mỡ chảy từ chính thịt ngựa chứ không thêm dầu mỡ ngoài. Đến khi thịt se lại thì đổ nước vào, cứ thế ninh trên lửa to trong nhiều tiếng. Ăn đến đâu múc ra đến đó, chảo vẫn đun trên bếp.

Đây là món ngon không thể thiếu trong mỗi phiên chợ vùng cao, được ví như món ăn “vua” của chợ phiên.

2. Bánh tam giác mạch

Đi du lịch Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch thì không thể không ăn thử một chiếc bánh tam giác mạch. Hoa tam giác mạch nở rộ vào tháng 10 thì tầm 12 là kết hạt. Người dân thu hoạch hạt về, phơi khô, tách vỏ rồi xay tay thành bột mịn. Đây là quá trình thật sự cần sự tỉ mỉ để bột không lợn cợn vỏ còn sót lại. Sau đó họ sẽ đem bột tam giác mạch trộn với bột gạo và đường, nước theo tỉ lệ riêng, đổ vào khuôn rồi xđem hấp. Bánh chín sẽ mềm, dậy mùi hạt thơm nhưng như thế vẫn chưa đủ. Để bánh được xốp thì cần thêm công đoạn cho bánh lên bếp than, nướng vài phút cho mặt bánh xém vàng.

Lúc này bánh tam giác mạch đã sẵn sàng để du khách tour Hà Giang thưởng thức rồi đấy! Bánh tam giác mạch ngon phải mềm, xốp, hơi hăng mùi đặc trưng của hoa tam giác mạch. Trước đây bánh tam giác mạch chỉ được coi như lương thực của người dân khi mùa vụ này qua, mùa khác chưa tới còn nay loại bánh này đã trở thành đặc sản mà đến Hà Giang là phải thử qua.

3. Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam thì các vùng miền núi đều có, nhưng đến Hà Giang thì phải ăn thử cơm lam Bắc Mê. Cách chế biến cơm lam thật ra rất đơn giản. Gạo nếp được đãi kỹ, ngâm cho nở, rồi cho vào ống tre cùng nước mạch ngầm, bịt bằng lá chuối. Ống tre đựng cơm lam là loại cây non, thân ống, chặt bỏ 1 đầu, giữ 1 đầu làm đáy “nồi”. Sau đó ống tre được hơ trên lửa hoặc than hồng, từ từ xoay tròn cho nóng đều vỏ ống. Tầm 1 tiếng là cơm chín, tỏa mùi nếp thơm lừng, bùi bùi, thoang thoảng mùi lá chuối, mùi tre nứa quyện vào nhau. Cơm lam có thể ăn chay nhưng ngon hơn cả là ăn cùng muối vừng hoặc cá suối nướng.

4. Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu, hay cháo đắng, sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho khách đi tour du lịch Hà Giang sau 1 ngày dài khám phá.

Củ Ấu Tẩu, hay Ấu Tàu, là rễ cây Ô Đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. Để loại bỏ độc tố của ấu tẩu là cả một quá trình kiên trì. Ấu tẩu cần được ngâm bằng chính nước vo gạo nếp, gạo tẻ nấu cháo. Sau đó rửa sạch, ninh liên tục khoảng 12 tiếng cho mềm, bở thành bột đặc sền sệt. Muốn biết ấu tẩu đã hết độc chưa thì người nấu chỉ có cách….tự thử độc. Nếu sau khi nếm vài phút thấy đầu lưỡi tê cứng tức là độc chưa hết, phải ninh thêm. Gạo sau khi vo thì hầm cùng nước xương hoặc chân giò cho nhừ. Sau đó cho bột ấu tẩu vào ninh tiếp cùng cháo. Khi ăn cho thêm rau thơm, măng hoặc tiêu, ớt, hành, trứng gà… tùy hàng bán và tùy khẩu vị khách.

Cháo ấu tẩu ngon là khi vị cháo thơm dẻo, quyện với vị bùi của củ ấu tẩu và vị béo của thịt tuy nhiên vị đặc trưng của ấu tẩu là vị đắng nên nếu thực khách ăn không quen có thể nói với người bán cho thêm thịt, rau hoặc gia vị khác ăn cùng cho bớt vị đắng. Người ta hay nói “thuốc đắng giã tật”. Loại cháo này còn như một loại thuốc bổ giải cảm và còn có tác dụng an thần, dễ ngủ. Bởi vậy cháo ấu tẩu mùa nào cũng có nhưng chỉ bán vào buổi tối. Đi tour Hà Giang từ Hà Nội, lang thang ở đây vào đêm lành lạnh rồi được thưởng thức một bát cháo nóng thì hẳn thật tuyệt phải không?

5. Bánh cuốn trứng

Ở dưới xuôi, bánh cuốn thường chỉ có nhân thịt, chấm cùng nước mắm pha ngọt, ăn cùng chả hoặc thêm hành phi. Còn bánh cuốn trứng ở Hà Giang thì đặc biệt hơn.

Bột làm bánh được xay từ ngày hôm trước, quấy vào nước để cho lắng hẳn thì bánh mới chắc. Lúc khách gọi thì mới tráng bánh bởi bánh vừa tráng xong ăn mới ngon. Hỗn hợp bột được đổ lên bạt tráng, trải đều, đậy vung hấp cho chín rồi người bán hàng nhanh tay cho thêm một quả trứng lên trên. Tùy khách muốn trứng lòng đào hay trứng chín hẳn mà người bán hàng sẽ lật bánh ra nhanh hay lâu. Có khách muốn “bánh vàng” thay vì “bánh trắng” thì người bán cho hẳn trứng vào đánh cùng hỗn hợp bột rồi tráng như bình thường.

Nước chấm bánh cuốn thì còn đặc biệt hơn nữa. Thay vì là nước mắm pha ngọt dưới xuôi thì nước chấm ở đây là nước hầm xương nhàn nhạt, thêm hành lá và giò ăn kèm. Nếu khách thích mặn hơn thì tự cho thêm gia vị.

Bánh cuốn nóng chấm cùng nước dùng cũng nóng hổi sẽ là bữa sáng tuyệt vời cho những ngày se lạnh. Nếu đi tour Hà Giang chắc chắn bạn nên ăn bánh cuốn trứng để cảm nhận được vị khác biệt với bánh cuốn các vùng khác đấy.

 

Leave a Reply

Note: Comments on the web site reflect the views of their authors, and not necessarily the views of the bookyourtravel internet portal. Requested to refrain from insults, swearing and vulgar expression. We reserve the right to delete any comment without notice explanations.

Your email address will not be published. Required fields are signed with *

*
*