Nằm ở giáp biên giới Nga, Cáp Nhĩ Tân – thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) mang biệt danh “Hòn ngọc trên cổ thiên nga” vì hình dáng sông Hắc Long Giang giống như một con thiên nga. Nơi đây còn được gọi là “Moscow phương Đông” bởi kiến trúc độc đáo và những nét văn hóa pha trộn giữa phương Đông và phương Tây
Cáp Nhĩ Tân là nơi tụ hội của nhiều hệ thống đạo giáo với chùa chiền, nhà thờ, giáo đường đan xen. Trong những năm 20 của thế kỷ trước, phần lớn dân số sinh sống tại đây là người Nga và nhiều tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Nga vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Do lịch sử của mình, nơi đây được coi là một trong những vùng có nhiều người Nga nhất ngoài lãnh thổ nước Nga. Thành phố phát triển hai bên bờ sông Tùng Hoa với hai khu cũ và mới. Có thể thấy nét đặc trưng của kiến trúc tại khu cũ là những nhà thờ hay tòa nhà cổ kính, với “tháp củ hành” đặc trưng của kiến trúc Nga thời xưa xen kẽ những tòa nhà hiện đại được xây dựng sau này.
Tại phố đi bộ Zhongyang, các biển hiệu, tên đường phố đều in bằng hai thứ tiếng. Đi dọc con phố này có thể nghe thấy những giai điệu Nga dìu dặt xen kẽ với tiếng rao hàng bằng tiếng Trung. Trong các cửa hàng có nhiều đồ lưu niệm truyền thống của Nga như ấm samovar hay búp bê gỗ matrioshka. Với những người học tiếng Nga, từng đến nước Nga như tôi thì khi đến phố đi bộ Zhongyang của Cáp Nhĩ Tân, có cảm giác như được quay trở lại “xứ sở bạch dương”.
Một nét đặc trưng của Cáp Nhĩ Tân chính là những món ăn Nga truyền thống và phải thưởng thức ở những nhà hàng mang đậm chất Nga ở phố đi bộ Zhongyang mới cảm nhận hết được sự thú vị. Trong bữa ăn cuối cùng của đoàn nhà báo chúng tôi trước khi rời Cáp Nhĩ Tân, với các món Nga đặc trưng như súp củ cải đỏ, trứng cá hồi, thịt nướng shashlik, anh Lưu Quốc Quân của Sở Ngoại vụ Cáp Nhĩ Tân nói vui rằng, nếu chúng tôi không nếm thử các món ăn này thì coi như chưa có chuyến đi trọn vẹn tới Cáp Nhĩ Tân.
Một nét độc đáo nữa trong ẩm thực ở Cáp Nhĩ Tân chính là kem ở khách sạn Morden, nơi nhiều người nổi tiếng ghé thăm và là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch. Kem ở đây làm kiểu thủ công, kiểu dáng và hương vị hơi giống kem Tràng Tiền Hà Nội, và công thức làm loại kem này chưa từng thay đổi trong hơn 100 năm qua. Buổi sáng ở phố đi bộ Zhongyang, chúng tôi chứng kiến tới 50 người xếp hàng chờ mua kem tại đây.
Cáp Nhĩ Tân thu hút khách du lịch mọi thời điểm trong năm nhưng thời gian lý tưởng để tới Cáp Nhĩ Tân là mùa đông, bởi khi đó “thành phố băng” mới phô diễn được hết vẻ đẹp độc đáo của mình. Vào thời điểm đó, cả thành phố quanh năm chìm trong giá lạnh trở nên rạng rỡ, lung linh sắc mầu hơn so thường ngày. Mùa đông, Cáp Nhĩ Tân đón nhiều khách du lịch hơn mùa hè do du khách muốn chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc ngoài trời từ băng đá tuyệt đẹp. Lễ hội tuyết và băng quốc tế Cáp Nhĩ Tân diễn ra đầu tháng 1 và kéo dài 50 ngày, sử dụng tới 10.000 m3 băng là một trong bốn lễ hội tuyết và băng lớn nhất thế giới, cùng Lễ hội tuyết Sapporo của Nhật Bản, Lễ hội mùa đông Quebec của Canada và Lễ hội trượt tuyết Holmenkollen của Na Uy.
Dù không may mắn đến Cáp Nhĩ Tân vào mùa đông để tận mắt chiêm ngưỡng triển lãm nghệ thuật băng tuyết lớn và đẹp nhất trên thế giới, song chúng tôi cũng có trải nghiệm tương tự khi tới thăm vườn băng tuyết trong nhà. Nhiệt độ trong khu triển lãm luôn từ âm 10 độ C đến âm 7 độ C. Tại đây, các công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố như nhà thờ Sophia – biểu tượng của Cáp Nhĩ Tân, đều được tái hiện bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân chạm trổ trên các khối băng trong suốt tự nhiên.
Mỗi năm, lễ hội băng đăng ở Cáp Nhĩ Tân đón hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2017, ước tính lễ hội này đã đem lại 4,4 tỷ USD thu nhập cho thành phố. Tuy nhiên, sức hút của Cáp Nhĩ Tân với du khách không chỉ bởi từ những tác phẩm điêu khắc băng huyền diệu. Người ta đến với thành phố này còn bởi những nét kiến trúc, văn hóa, ẩm thực đặc sắc được giao hòa, pha trộn tinh tế giữa phương Đông và phương Tây.