Nếu có cơ hội về thăm miền Tây Nam Bộ, du khách đừng bỏ qua tỉnh Bạc Liêu. Vùng đất từ xa xưa đã nổi tiếng là trù phú và phì nhiêu. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng. Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời hay quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu người sáng tác ra điệu “Dạ cổ hoài lang” lừng danh. Đến Bạc Liêu du khách không chỉ được thăm quan nhà công tử Bạc Liêu mà còn có cơ hội được nghe điệu đờn ca tài tử do các nghệ sĩ miệt vườn thể hiện và khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn. Tận mắt chứng kiến, hẳn bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này. Xin giới thiệu những địa điểm du lịch Bạc Liêu tuyệt đẹp nhất định phải đến.
Nhà Công tử Bạc Liêu
Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch, cha của Trần Trinh Huy – người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu hay còn gọi với một tên đặt biệt khác là “Hắc Công Tử”. Do gắn liền với tên tuổi của Trần Trinh Huy , nên nhiều người đến vùng đất này thường tìm đến ngôi nhà xưa của công tử Bạc Liêu đầu tiên. Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc ở số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ Pháp qua, đây là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Đến thăm nhà công tử Bạc Liêu, du khách sẽ được thấy cuộc sống giàu sang một thời của gia đình cậu Ba Huy.
Theo giai thoại kể thoại, không một vị công tử cùng thời nào có thể sánh kịp về khả năng tài chính và độ chịu chơi với công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Công tử Bạc Liêu từng gây chấn động cả nước khi đi thăm ruộng bằng máy bay, lúc đó Việt Nam chỉ có hai chiếc, một của Hắc công tử, một của Vua Bảo Đại. Nhiều người còn kể rằng Hắc công tử nổi tiếng vì từng “đốt tiền nấu chè” để tranh sự chú ý của một cô gái.
Quảng trường Hùng Vương – Nhà hát Cao Văn Lầu
Được khánh thành từ năm 2014, đến nay Quảng trường Hùng Vương đã trở thành niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở quảng trường đã giúp vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa này ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Miền Tây và là một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu. Nổi bật nhất là cây đờn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu thể hiện sự trường tồn và phát triển của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và của văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Bạc Liêu nói riêng.
Tọa lạc trong khuôn viên quảng trường còn có Trung tâm triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá, chóp nón hướng vào nhau được xem là trái tim quảng trường Hùng Vương.
Chiếc nón lá là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, ba khối nhà hình nón lá được đặt bên cạnh hồ giữa hồ là lối đi cho khách tham quan uốn cong theo suốt chiều dài hồ tạo nét mềm mại và sinh động
Cánh đồng muối Bạc Liêu
Vốn là nơi cung cấp số lượng muối lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cánh đồng muối là nét đặc thù của tỉnh Bạc Liêu. Ở Bạc Liêu có hai huyện gắn bó lâu năm với nghề làm muối, đó là huyện Hòa Bình và Đông Hải. Muối ở Bạc Liêu từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ bởi hương vị đậm đà, độc đáo, rất riêng biệt. Không những thế, với những ruộng muối mênh mông, phủ một màu trắng tinh khiết đã làm nên một khung cảnh đẹp ngỡ ngàng thu hút đông đảo du khách gần xa.
Những cánh đồng muối được chia thành từng ô, từng hàng, chạy dài thẳng tắp và lấp lánh trong ánh nắng. Bạn có thể ghé thăm những cánh đồng muối nơi đây vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Đây là thời điểm nước biển đạt độ mặn hợp lí, nắng vừa phải và ít có mưa bão nên người dân sẽ tập trung khai thác. Không chỉ có khung cảnh đẹp, cảnh tượng người dân nơi đây chăm chỉ, cần mẫn thu hoạch muối nhìn cũng thật duyên dáng và thu hút. Đến đây, du khách có thể thoải mái “sống ảo”, lưu lại những tấm ảnh đẹp cùng với bạn bè người thân. Bạn nên đến đây vào buổi sáng lúc bình minh hoặc buổi tối hoàng hôn để bắt được những khung cảnh đẹp nhất của cánh đồng muối.
Mẹ Nam Hải
Mẹ Nam Hải là một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nằm ở tỉnh Bạc Liêu. Ngoài Miếu bà chúa Xứ thì nơi đây có lượng tín đồ hành hương đông đảo nhất. Hàng năm nó thu hút hàng trăm người về đây hành hương. Đặc biệt, nơi đây có pho tượng mẹ Nam Hải cao 11m, là công trình tượng phật Bà lớn nhất tỉnh Bạc Liêu.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và nghệ thật đờn ca tài tử
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nơi khẳng định vị thế của bản Dạ cổ Hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm nằm trên chính con đường mang tên ông – đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP. Bạc Liêu.
Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu gồm nhiều hạng mục nhưng điểm nhấn rõ nhất là Đài Nguyệt cầm. Đài được xây dựng bằng đá, nằm ở vị trí trung tâm và cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu – một trong 4 loại nhạc cụ chính của dàn nhạc tài tử Nam bộ và cũng chính từ cây đờn kìm này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ.
Tại nhà trưng bày, du khách được nghe giới thiệu về thân thế sự nghiệp của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, quá trình phát triển từ bản “Dạ cổ hoài lang” đến bản vọng cổ nổi tiếng của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. Ngoài ra, khu lưu niệm còn có vườn tượng nhạc cụ dân tộc, nhà trưng bày Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và cải lương, nhà biểu diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử, gian hàng lưu niệm… là những nơi du khách không thể bỏ qua.
Đến với Bạc Liêu, du khách nhất định sẽ có được trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.