Chùa Yên Tử là một trong những ngôi chùa mình yêu thích nhất ở Việt Nam. Đây là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (dòng Phật giáo của Việt Nam). Chùa Yên Tử nổi tiếng rất linh thiêng.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Mọi người truyền tai nhau là ai đi chùa Yên Tử ba năm liền liên tiếp sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Và mọi người thường trọn đường leo bộ để thể hiện sự thành tâm (thay bằng cáp treo)
Ở Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Vật dụng cần mang khi đi Yên Tử
– Tiền: mang theo đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông. Thường một chuyến đi từ Hải Phòng mình tiêu khoảng 100 – 200k (không đi cáp treo). Nếu đi cáp treo 2 chiều +280k, chỉ đi cáp 1 chiều xuống +120k.
– Giày: không nên đi giày mềm, giày công sở. Nên đi giày thể thao (có thể là bata) hoặc giày leo núi thì càng tốt. Đường leo bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn, mình thấy nhiều chị đi giày mềm bị rách, đau chân… Hoặc bạn có thể gửi giày và thuê dép ở chân núi.
– Balô: một cái balo nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống
– Quần áo: trang phục gọn nhẹ. Mùa đông mặc đủ ấm, khi leo có thể buộc áo quanh người hoặc cho vào ba lô.
– Nước: nên mua 2 chai 500ml hoặc một chai nước 1,5L mang theo uống dọc đường. Nước trên núi bán đắt 20 – 30k/chai nước lọc.
– Đồ ăn: mang đồ ăn cho bữa trưa. Có thể là bánh mỳ sữa, bánh mỳ giò, xôi… không nên mang theo đồ lỉnh kỉnh. Có thể ăn trưa trên núi nếu thích, trên này có bán xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá cao hơn bình thường là điều bạn cần biết. (xúc xích 20-30k/chiếc)
– Gậy: nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5k, có cây gậy này leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống có gậy trống không bị đau khớp gối.
– Máy ảnh, điện thoại: có nhiều cảnh đẹp trên đường, bạn nên mang theo một chiếc máy ảnh du lịch hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm trong chuyến đi của mình. Ở trên chùa Đồng vẫn có sóng điện thoại.