Tại Đền Đô, lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất, 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc
Đền Đô
Một ngôi đền cổ lâu đời, được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn, đến nay đa số các hạng mục công trình đã được khôi phục và xây mới lại. Đây là nơi thờ tám vị vua nhà Lý, có thể nói đây chính là nơi hội tụ của những con mang họ Lý. Đền tọa lạc tại làng Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh, đây cũng là làng có làng nghề làm bánh Phu Thê truyền thống.
Tại Đền Đô, lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất, 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những vị vua Lý anh minh, đã có công xây dựng đất nước Việt.
Tới Đền Đô bạn cũng nên ghé thăm Đình làng Đình Bảng, đây cũng là một ngôi đền cổ, có nét kiến trúc độc đáo.
Hội Lim
Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Hội Lim được tổ chức hàng năm từ ngày 13 đến 15 tháng giêng âm lịch. Địa điểm chính nằm trên một quả đồi ở thị trấn Lim. Hội Lim có 2 phần, phần lễ và phần hội. Từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng, các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim, mở cửa đình, đền, chùa tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống. Sáng ngày 13 tháng Giêng, 4 làng thuộc xã Nội Duệ tập trung tại đình thôn Đình Cả, tổ chức đoàn rước về lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim, sau đó dâng hương tại chùa Hồng Ân và các đình, đền, chùa khác ở Nội Duệ và thị trấn Lim. Phần tổ chức rước kiệu diễn ra khá hoành tráng và độc đáo, nếu đi Hội Lim bạn nên tham gia cùng đoàn rước, diễn ra vào sáng sớm ngày 13. Phần Hội diễn ra tại đồi Lim, có nhiều hoạt động vui chơi truyền thống như: đánh đu, bịt mắt bắt dê, hát dân ca Quan Họ, đập niêu v.v.v
Làng Tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Đến với làng tranh Đông Hồ bạn sẽ được tìm hiểu về qui trình sản xuất tranh, hiện nay chỉ còn lại 2 nhà còn lưu giữ và sản xuất tranh. Các hộ gia đình còn lại thường làm Vàng Mã, xuất đi các tỉnh thành ở miền Bắc.
Làng Gốm Phù Lãng
Làng Phù Lãng (thuộc xã Phù Lãng), nằm ở phía đông huyện Quế Võ, cách huyện lỵ khoảng 10 km và cách sông Lục Đầu khoảng 4 km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Phù Lãng còn có nhiều ngọn núi đẹp, tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình ít có trên đất Bắc Ninh.
Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, mua ở làng Thống Vát, Cung Kiệm (xã Việt Thống). Sau khi mua, đất được trở về Phù Lãng bằng thuyền lớn. Qua nhiều công đọan, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công.
Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là chum vại, chậu nồi, ấm đất, chậu sành, tiểu sảnh. Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.
Tới Phù Lãng bạn đừng ngại đi lòng vòng vào các làng, bởi trong làng bạn mới có thể tận mắt nhìn thấy những lò Gốm và tìm hiểu cách làm Gốm ở đây. Nếu bạn thích nhiếp ảnh thì sẽ có khá nhiều góc máy để sáng tác.