Về Cái Mơn thưởng thức Sầu Riêng. Sầu Riêng là loại trái cây này có thể khiến vạn người mê bởi khả năng đánh thức khứu giác và cũng khiến nghìn người sợ hương vị độc đáo, mạnh mẽ này.
Sầu riêng được xếp là một trong những loại trái cây “Vua” của vùng nhiệt đới. Ở nước ta sầu riêng có 60 loại và chỉ cho quả ngon nhất nếu trồng ở vùng Nam Bộ. Đặc biệt là sầu riêng của vùng đất phù sa Tây Nam Bộ. Bến Tre được mệnh danh là vùng đất vạn dừa, bên cạnh dừa một đặc sản cũng nổi tiếng gần xa đó là sầu riêng Cái Mơn.
Sầu riêng Cái Mơn có cơm màu trắng hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt lép có mùi thơi đặc trưng, cơm càng dày vị càng ngọt, càng béo đậm đà. Ăn vào có cảm giác như tan trong miệng. Có thể nói không một loại sầu riêng nào có thể sánh bằng sầu riêng ở vùng đất Cái Mơn.
Quả sầu riêng Cái Mơn nặng trung bình từ một đến hai ký. Khi chín muồi, vỏ tự tách ra thành bốn hoặc năm mảnh theo những khe chiều dọc, để lộ ra những múi béo ngậy nằm gối lên nhau, các múi đều nằm trong những buồng riêng biệt, mỗi buồng có từ 1 – 4 múi, lớn bé không đều nhau. Múi to nhất cũng bằng quả trứng vịt. Mỗi trái có nhiều nhất cũng được 10 múi.
Giá trị mỗi trái sầu riêng còn tuỳ thuộc vào số lượng múi nhiều hay ít nhưng chủ yếu là ở chất lượng của cơm có ngon hay không.
Có một điểm mà loại trái cây này làm thực khách nhớ mãi không quên đó là mùi thơm, mùi của sầu riêng rất kỳ lạ, có người chỉ cần nghe mùi đã phát thèm, có người thì chịu không nổi phải đau đầu, bịt mũi tránh xa. Người ta ăn sầu riêng từ hôm trước thế mà hôm sau mùi hương ấy vẫn còn phảng phất đâu đó trên môi hay đôi tay. Cũng chính mùi hương lạ đời này mà làm người ăn phải nhớ mãi.
Giá trị kinh tế của quả sầu riêng Cái Mơn chính từ hương vị thơm ngon của chúng, và có lẽ một phần vì sự “khó trồng” của loại cây này. Vì đặc tính ít hạt nên khi gieo trồng, sầu riêng cho trái đôi khi chất lượng lại không giống hoàn toàn cây mẹ, nên dần hình thành rất nhiều chủng loại khác nhau không đảm bảo chất lượng.
Vì thế, để đảm bảo tính ổn định cho giống cây này, các nhà vườn đã áp dụng nhiều cách lại tạo như chiết, ghép cây, nhân giống bằng phương pháp vô tính… để giữ được những đặc tính nguyên thủy của cây mẹ, có khả năng tăng năng suất và kháng sâu bệnh tốt.
Không biết giống sầu riêng này có nguồn gốc từ đâu chỉ nhớ theo truyền miệng, loại quả này do thầy Lưu Nho dạy học ở Cái Mơn mang từ Campuchia về trồng ở mảnh đất Cái Mơn vào những năm 1910 và đặt tên là sầu riêng Sữa Bò.
Sầu riêng Sữa Bò của ông Lưu chỉ cho trái vào mùa hè, vào tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Trái khi chín vẫn xanh ngắt, mỏng vỏ, gai thưa, khi chín múi lớn vàng ươm, có vị ngọt dịu và béo ngậy như sữa, hương thơm thì ngào ngạt. Đặc biệt là đúng 12 giờ trưa hay nữa đêm, khi trái tự rụng xuống thì mới chịu chín. Tiếng đồn về một giống trái ngon có vị lạ bay xa, đến mùa thu hoạch, nhiều người trong và ngoài tỉnh Bến Tre hiếu kỳ tìm đến vườn ông Lưu để thưởng thức trái lạ và xin giống về trồng.
Trải qua hơn 100 năm, giống sầu riêng của ông Lưu ngày nào đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng – sầu riêng Cái Mơn.
Được đánh giá cao về chất lượng, hơn hẳn các giống sầu riêng khác cả về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của trái. Sầu riêng Cái Mơn đang từng bước khẳng định được vị trí của mình trên thị trường trong và ngoài nước.