Bản Tả Phìn Sapa nằm ở đâu?

Hướng dẫn cách đi tới bản Tả Phìn Sapa

Nếu bạn xuất phát đi bản Tả Phìn từ trung tâm thị trấn Sapa thì bạn chỉ cần đi men theo tuyến đường quốc lộ 4D khoảng chừng 5km. Sau đó, tiếp tục rẽ trái tới cổng bán vé bản Tả Phìn. Tại đây, bạn mua vé tham quan để vào thăm bản. Từ đây, bạn muốn tới đầu bản phải đi thêm chặng đường khoảng 7km. Nếu bạn đi theo Tour sapa thì HDV sẽ đồng hành cùng bạn.

Dọc đường đi vào bản Tả Phìn, du khách sẽ đắm say trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình của miền núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang trải rộng trên khắp các sườn đồi, sườn núi. Xa xa là những dãy núi xanh mờ, lấp ló trong làn sương mù bảng lảng. Đó đây điểm xuyết những mái nhà sàn mái lá của người dân tộc, những nương ngô xanh mơn mởn.

Chi phí tham quan bản Tả Phìn Sapa

Bản Tả Phìn có thu vé 20k/người . So với những bản đông khách du lịch hơn như bản Cát Cát (50k/người) hay bản Tả Van (75k/người) thì mức giá này là quá mềm rồi.

Với các bạn chọn đi xe ôm từ trung tâm thị trấn Sapa tới bản Tả Phìn thì giá một cuốc đi từ 120-150k. Còn với các bạn chọn đi taxi hoặc thuê xe con để tới bản Tả Phìn thì giá khoảng 500-700k/ngày.

Tới bản Tả Phìn, nếu các bạn có mang theo đồ ăn thức uống thì chẳng mất tiền ăn luôn, còn nếu muốn thưởng thức ẩm thực địa phương thì các bạn có thể vào các nhà hàng, quán ăn ven đường. Chỉ với khoảng 500k cho một nhóm bạn 4 người thì Cuồng nghĩ là đã đủ để chúng ta có một bữa trưa thịnh soạn với một đĩa lợn cắp nách nướng, một đĩa thịt gà bản và rau cải mèo xào rồi.

Nếu bạn muốn ở lại bản Tả Phìn nghỉ qua đêm để có vài ngày thăm thú thì có thể ở tại các homestay với mức giá khá mềm chỉ tầm 200k/đêm.

Cộng tổng các chi phí trên thì các bạn sẽ có vài ngày vui chơi khám phá hết mọi chốn tại bản Tả Phìn mà chỉ mất có 1,2 triệu . Nói chung chi phí đi du lịch Sapa thì Cuồng thấy là khá rẻ so với đi các địa điểm du lịch khác trong nước.

Bản Tả Phìn Sapa có gì?

1. Ruộng bậc thang

Cũng giống như bao bản khác của Sapa, đặc trưng canh tác đồng ruộng của người dân tộc ở bản Tả Phìn là ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang cong cong uốn lượn trải ra trước tầm mắt Cuồng tựa như những dải lụa. Hàng dãy ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp san sát nhau tựa như những dòng suối bạc, nước đầy ăm ắp, soi bóng mây trời cảnh quan. Đó đây là những người nông dân đang cần cù lao động.

2. Hang động Tả Phìn

Hang động Tả Phìn còn được người dân địa phương gọi là Ti Ổ Cẩm, thuộc vào một dãy núi cùng nhánh với Hoàng Liên Sơn. Hang động có chiều cao khoảng 5m, chiều rộng chừng 3m.

Từ phía cửa hang xuống tới sâu lòng đất chỉ một người chui vừa, bạn phải đi thêm chừng 30m nữa. Càng đi xuống sâu, lòng hang như càng hẹp lại, hun hút. Cảm giác hơi ghê ghê sợ sợ nhưng nói thật là cũng đầy kích thích và đậm tính phiêu lưu đó, bạn sẽ không biết cái gì đang đợi mình ở phía trước cho tới khi bắt gặp những khối đá thạch nhũ siêu to khổng lồ với đủ các hình dạng khác nhau. Các vách đá hai bên có nhiểu hẻm và núi đi vòng vèo nhưng cuối cùng vẫn quay lại cửa hang lúc đầu. Du khách tham quan đi men theo đường của vách núi lớn, sẽ cảm nhận được đường đi lúc lên lúc xuống, chỗ vách núi dang rộng, chỗ lại hẹp chỉ có thể một người đi qua.

Vào trong động, bạn được nhìn thấy những nhũ đá rủ xuống đa dạng hình dáng mang tới những liên tưởng thật thú vị. Trong không gian mờ ảo, cầm đèn soi tìm những điều bí ẩn có trong hang là trải nghiệm khó quên. Những giọt nước thấm qua khe đá, vách núi từ hàng nghìn năm rồi chảy xuống, đọng trên các chóp nhũ đá rồi thánh thót nhỏ giọt. Trong không gian yên ắng của hang động, tiếng giọt nước nhỏ nghe âm vang thánh thót lạ lùng.

3. Tu viện Tả Phìn

Tu viện Tả Phìn được xây dựng vào năm 1942. Đây là nơi dành cho các nữ tu theo đạo Kito giáo sinh hoạt trong suốt nhiều năm trước khi rời về Hà Nội năm 1945 do tình hình an ninh bất ổn. Từ đó tu viện bị bỏ hoang thành phế tích, nhưng do được xây dựng bằng đá ong vững chắc nên những bức tường, trụ cột vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành một điểm checkin vô cùng hot với giới trẻ.

Tu viện bao gồm một nhà ngang hướng mặt về phía tây, một cầu thang nhỏ và có một tầng hầm dưới lòng đất. Phía trước toà nhà là một hành lang rộng, dài đã cũ theo thời gian. Nhà ngang này chính là chỗ ở và nơi sinh hoạt của các nữ tu. Ngoài ra, bên phải của toà nhà là nơi cất giữ lương thực thực phẩm, đồ đạc, và là khu bếp của tu viện. Hiện nay toà tu viện này đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần mái đã mất hết, chỉ sót lại những bức tường phủ rêu cổ kính.

4. Nghề khảm bạc

Người Dao đỏ làng Tả Chải, bản Tả Phìn có nghề khảm bạc khá nổi tiếng. Các cư dân Mông, Tày, Thái thường mua dùng đồ khảm bạc – trang sức của người Dao đỏ. Nguyên liệu để làm đồ trang sức là các đồng tiền làm bằng bạc trắng. Công cụ làm đồ trang sức bằng bạc đa số từ lò nung, từ bễ thổi đến nồi nấu bạc, khuôn đúc và các dụng cụ chạm khắc hoa văn. Trong đời sống của những người Dao đỏ “giá trị” của các cô gái thể hiện ở các đồ trang sức bằng bạc.
5. Nghề rèn đúc

Đây là nghề thủ công vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay của người Dao đỏ, người Mông. Công đoạn sản xuất theo thủ công truyền thống, xây lò bằng đất, đốt lửa bằng than củi, cho sắt thép vào nung đỏ, một người kéo bễ, một người tán dập thành những vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

6. Bài thuốc nước tắm lá của người Dao đỏ

Ngoài việc chiêm ngưỡng những sản phẩm thổ cẩm, du khách còn dễ dàng bắt gặp các cố gái người Dao đeo trên lưng những giỏ mây đựng đầy lá cây hoặc những hiên nhà của người dân tộc phơi đầy lá cây. Người Dao đỏ có một phong tục truyền thống rất lâu đời là tắm với lá thuốc thường xuyên, đặc biệt là những ngày cuối năm, cuối tháng. Ý nghĩa như để gột sạch tất cả những đen đủi của năm cũ, giúp cơ thể sảng khoái, khỏe mạnh để chào đón năm mới. Cái này thì khá giống với tập tục tắm nước lá mùi vào dịp cuối năm của người Kinh các bạn nhỉ!

Những lá thảo mộc này được người dân trực tiếp lên rừng hái về, rửa sạch, phơi khô, khi cần thì đun với nước ấm rồi đổ vào bồn tắm, ngâm chân, xông hơi đều rất tốt. Để có được một bồn tắm chất lượng, người Dao đỏ có thể dùng 120 lá thuốc khác nhau, ít nhất là hơn 10 loại lá thuốc. Nếu bạn muốn tắm thử loại thảo mộc này, bạn có thể tắm ngay tại bản với giá rất rẻ chỉ khoảng 150k/lần tắm .

Bồn gỗ tắm là bồn từ cây pơmu, mùi gỗ tự nhiên, thơm với mùi thuốc thảo dược, nước tắm có màu nâu đỏ như màu rượu vang Bordeaux. Làn nước sóng sánh, ấm áp khiến ai tắm xong cũng phải đê mê mà khen ngợi.

Công dụng khi tắm lá thuốc này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Dược chứng minh rất cụ thể. Lá tắm giúp tăng cường sinh lực cho đàn ông, giúp các chị em có làn da căng bóng, mịn màng, giúp người già cải thiện giấc ngủ, giúp các em nhỏ tăng sức đề kháng và làn da hồng hào hơn.

Đặc biệt, bài thuốc còn được dùng để chữa bệnh như chữa đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt, hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, cho người vừa ốm dậy. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khỏe được hồi phục.

Cảm giác thả mình trong làn nước ấm, mùi hương đặc trưng của lá thuốc, cảm giác mệt mỏi sau một ngày băng rừng vượt đèo, vượt suối đến với bản Tả Phìn dường như bay biến mất, từng thớ thịt cơ bắp đều được thư giãn, toàn thân được thả lỏng. Tắm xong cảm thấy thật sảng khoái các bạn ạ, thảo nào mà bài thuốc cổ truyền tắm lá thuốc của người Dao đỏ vang danh tới tận Hà Nội với rất nhiều cơ sở tắm lá thuốc. Tuy nhiên, chính gốc nhất thì chắc chắn phải là ở bản Tả Phìn rồi, có cơ hội đến chơi bản Tả Phìn thì tội gì không thử tắm nước lá thuốc chính hiệu của người Dao đỏ bạn nhỉ!

7. Ăn gì ở bản Tả Phìn?

Ở Bản Tả Phìn còn có những món ăn đặc sắc mang đậm hương vị truyền thống của người dân nơi đây như thịt lợn cắp nách kho, thịt gà bản xào sả, canh thịt lợn nấu măng và sấu. Một số bạn khác từng đi du lịch bản Tả Phìn cũng nhận xét là đồ ăn ở đây khá đặc thù, không thực sự phù hợp với khẩu vị của đa số người Kinh lại không có nhiều lựa chọn nên các bạn có thể mang sẵn đồ ăn từ thị trấn Sapa lên để vẫn có bữa ăn no mà còn tiết kiệm một khoản kha khá nha!

8. Đến bản Tả Phìn nghỉ ngơi ở đâu?

Cũng giống như nhiều bản làng khác ở Sapa như bản Cát Cát hay bản Tả Van, bản Tả Phìn hiện nay cũng xuất hiện một số homestay cho du khách nghỉ ngơi ngay tại khu trung tâm bản. Xin giới thiệu với bạn một số homestay khá đầy đủ tiện nghi ở bản Tả Phìn. Đảm bảo bạn sẽ có những giấc ngủ ngon giữa núi rừng thiên nhiên nhé!

Sapa homestay Ta May

Nằm ngay ở sườn núi, homestay này có sân hiên và bể sục, xây dựng theo phong cách cổ điển của người Dao. Du khách có thể dùng bữa tại nhà hàng. Ngoài ra, bạn có thể tự nấu ăn ở khu bếp chung. Tại đây, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Sapa, ga cáp treo Fanssipan Legend…

Ta Phin stone Garden Ecological

Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng bao quanh bởi khung cảnh cây xanh tươi tốt. Đây là một chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, lý tưởng cho những ai muốn xua tan mọi mệt mỏi trong cuộc sống. Các phòng đều được thiết kế đơn giản, lát sàn gỗ, giá treo quần áo, màn chống muỗi và ban công nhìn ra quanh cảnh núi non thơ mộng.

Một số lưu ý khi thăm bản Tà Phìn

Khi du lịch bản Tà Phìn có một số những quy tắc phong tục mà bạn cần nhớ để chuyến đi của mình được tốt đẹp và suôn sẻ như sau:

Theo quan niệm của người dân tộc nơi đây, khách muốn vào thăm nhà phải theo sự chỉ dẫn của gia chủ. Nhà người Mông thường có một cây cột to nhất chôn sâu xuống đất cao đến tận nóc nhà. Đây gọi là cột cái, nơi ma quỷ trú ngụ, bạn không được treo quần áo hay ngồi dựa lưng vào cây cột đó.

Gian giữa nhà là nơi thờ cúng nên khách không được phép ngồi ở đây.

Ghế đầu bàn là vị trí dành cho cha mẹ, du khách cũng không được phép ngồi vào.

Khi chủ nhà mời uống nước, uống rượu, nếu bạn không muốn uống thì hãy từ chối khéo chứ không được úp bát xuống bàn. Chỉ có thầy cúng mới được phép làm như vậy để đuổi tà ma.

Khi vào bản bạn lưu ý không mặc các loại đồ màu trắng vì đó là màu sắc của tang lễ, cũng không được huýt sáo khi dạo chơi ngắm cảnh bản. Lí do vì người dân tộc cho rằng âm thanh tiếng huýt sáo là tiếng gọi ma quỷ về bản.

Khách ngồi uống rượu cần, giao lưu, chuyện trò cùng gia chủ không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước. Người ta cho rằng hành vi đó là bày tỏ thái độ không bằng lòng hoặc coi thường người tiếp chuyện.

Vì đường vào bản Tả Phìn chủ yếu là đường đồi núi khó đi, lắm ổ gà ổ trâu nên các bạn nào có dự định đi xe máy về thăm bản nên chuẩn bị quần áo gọn gàng để thuận tiện di chuyển. Theo Cuồng thì các bạn gái nên tạm xa những đôi giày cao gót điệu đà mà đi giày thể thao để dễ đi tham quan, khám phá bản hơn nha.

Các bạn nào có ý định khám phá hang động Tả Phìn thì nên chuẩn bị một chiếc đèn pin vì đường vào hang khá sâu và tối. Nếu các bạn sợ lạc đường thì có thể nhờ một anh/chị người bản địa dẫn đường cho mình tham quan khám phá hang động nha!

Nếu bạn nào lo ngại không hợp khẩu vị với đồ ăn của người dân tộc, bạn có thể chuẩn bị sẵn đồ ăn mang theo từ thị trấn Sapa để không lo “tôi có một chiếc bụng đói” mà vẫn thỏa sức khám phá bản nha.

Nếu các bạn muốn thử dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ thì không nên tắm lúc quá đói, hoặc quá no, cũng không nên tắm lâu quá vì dễ bị say thuốc. Bạn chỉ nên ngâm mình trong làn nước tắm trong khoảng thời gian 15-30 phút thôi, đừng nghĩ là ngâm càng lâu thì các khoáng chất thẩm thấu qua da vào cơ thể càng nhiều thì càng tốt nha! Bạn cũng không cần tắm tráng lại với nước sau khi ra khỏi bồn, chỉ cần lau khô rồi mặc quần áo là được. Bạn biết không với một số bạn nữ thể chất yếu, ngâm nước tắm lá thuốc của người Dao đỏ một lát thôi mà đã buồn ngủ và bị say thuốc rồi. Nên nhiều chị, nhiều mẹ người dân tộc tận tâm chu đáo còn vừa chuẩn bị nước tắm cho khách vừa trò chuyện cùng bạn, phòng trường hợp bạn bị say thuốc rồi ngủ luôn trong thùng nước tắm đấy!

Trên đây là kinh nghiệm du lịch tại bản Tả Phìn – Sapa, rất mong thông tin có ích đối với quý vị .

One comment

Leave a Reply

Note: Comments on the web site reflect the views of their authors, and not necessarily the views of the bookyourtravel internet portal. Requested to refrain from insults, swearing and vulgar expression. We reserve the right to delete any comment without notice explanations.

Your email address will not be published. Required fields are signed with *

*
*