Thác Hiêu – giữa núi rừng Pù Luông, Thanh Hóa

  1. Thác Hiêu ở đâu ?

Cách Hà Nội khoảng 180km, là một phần trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thác Hiêu ẩn mình giữa bạt ngàn màu xanh cây lá. Nơi này có hệ thống núi đá cao cùng những khu rừng già nguyên sơ nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Xen kẽ giữa núi rừng là các bản làng dân tộc với những ngôi nhà sàn và những thửa ruộng bậc thang điểm xuyết cho phong cảnh càng trở nên thơ mộng.

2. Vẻ đẹp thác Hiêu

Hiêu trong tiếng Thái có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra đúng với địa thế Bản Hiêu và Thác Hiêu đang tọa lạc. Bắt nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương với chiều dài hơn 800 mét, dòng thác quanh năm tuôn nước trắng xóa đem theo chất đá vôi màu trắng đi qua mọi nơi. Vì thế, cây cối, đồ vật, nền và ở hai bên thác bị đông kết lại như bị “hóa đá”, thu hút sự tò mò của mọi du khách.

Đến Thác Hiêu mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa rừng núi nơi đây lại khoác lên mình một màu áo mới và có thể “mê hoặc” bất cứ du khách nào khi mới đặt chân. Dòng nước trong vắt, mát rượi vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Mùa mưa lũ, thác gầm réo, nước từ màu xanh đổi thành màu trắng đục như nước gạo, nước đậu nành. Do núi đá vôi bị nước xói mòn, những đá non tan ra mà tạo nên lượng vôi lỏng lớn như vậy. Những ngày không bão tố, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh. Nơi nhẹ nhàng róc rách, nơi nước trút ầm ầm vô cùng thi vị.

Phải mất 1 giờ đồng hồ, vừa leo núi, vừa lội thác để tận hưởng cảm giác thú vị biết bao khi đứng trên đỉnh thác nhìn xuống: Dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, tạo thành 2 thác đổ về 2 hướng khác nhau, và hợp lại ở cuối dòng. Những vách đá tạo ra hàng chục tầng thác nước, đổ bọt trắng xóa. Ngay phía ngoài chân thác còn có một “hồ bơi” tự nhiên. Sau một hồi lội thác trở về, du khách nên ra đây tắm rửa. Mực nước ở đây chỉ hơn 1m, phía dưới là cát nên ai ưa mạo hiểm có thể thỏa sức bay nhảy.

Ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên từ đỉnh thác mới thấy hết sự hùng vĩ của núi non, với hình ảnh “núi ấp ôm mây, mây ấp núi”, những ngôi nhà sàn người dân tộc Thái nằm ẩn mình, thấp thoáng dưới chân núi, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, tiếng thác nước ào ào chảy, rồi những cây cầu treo vắt vẻo, những guồng nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay, vừa đưa nước lên đồng ruộng phục vụ sinh hoạt, vừa tô điểm cho núi rừng thêm đẹp, thêm say… Tất cả tạo nên cho Thác Hiêu Thanh Hóa nét độc đáo mà ít nơi nào có được.

 3. Thưởng thức đặc sản Vịt Cổ Lũng tại Bản Hiêu

Đến với Thác Hiêu Bá Thước Thanh Hóa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc địa phương. Đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hòa mình giữa dòng nước mát rượi, khi trở lên nhà sàn đã thấy bày sẵn vò rượu cần ấm nồng, ngọt dịu mà bà con nơi đây đã dùng chính nguồn nước từ các mó nước làm nên vị rượu cần đặc trưng. Thưởng thức món canh măng bương được bà con hái từ núi xuống. Không hiểu do chất đất, khí trời hay vì điều gì mà ít vùng nào có thể có thứ măng ngọt ấy.

Đặc sản của vùng còn phải kể đến món vịt Cổ Lũng nổi tiếng từ xưa, thịt vừa mềm, vừa ngọt. Đến Bản Hiêu mà chưa được ăn thịt vịt Cổ Lũng thì coi như chưa đến nơi này. Đây là giống vịt cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, được người dân nơi đây nuôi thả trên những cánh đồng, con suối ở bản nên thịt nhiều nạc, thơm ngon, khó có loại vịt nào ở đâu sánh bằng.

Vịt Cổ Lũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau nhưng ngon nhất phải kể đến món vịt quay thơm phức béo giòn. Vịt sau khi được làm sạch, sẽ được nhồi vào bụng các loại hương liệu: lá móc mật, muối, đường, ngũ vị hương rồi khâu kỹ lại, dùng que trúc xiên dọc thân đem nướng trên lửa than hoa đỏ rực. Càng nướng, lớp mỡ của con vịt chảy xuống làm than hồng càng thêm rực rỡ, lúc này các hương liệu trong bụng vịt đang chín dần dần và tỏa mùi hương thơm ngát, hòa quyện với mùi béo ngậy của thịt vịt khiến du khách không bao giờ quên. Thịt vịt chín nóng giòn màu nâu đỏ bắt mắt và hương vị thơm ngon khó cưỡng, món này nhất dịnh phải ăn cùng nước chấm nêm từ gan vịt nghiền nhỏ cộng muối và hạt mắc khén đã được giã nhỏ thì ngon đúng điệu.

Khi đến thăm Thác Hiêu, du khách có thể ghé thăm Chợ phiên Phố Đoàn – phiên chợ vùng cao nổi tiếng của người dân Bá Thước. Chợ chỉ họp vào sáng thứ 5 và sáng Chủ nhật hàng tuần, để dạo chơi và chọn mua những sản vật của núi rừng như: mật ong, măng rừng, cua, ốc đá… Hoặc có thể đi từ Mai Châu (Hòa Bình) đến bản Kịt, Lũng Cao (Bá Thước) qua Thác Hiêu, Cổ Lũng đến hang Ma (bản Cốc, Hồi Xuân, Quan Hóa) và một số điểm du lịch khác trong vùng.

4. Homestay gần Thác Hiêu

Quanh thác Hiêu có rất nhiều Homestay với chi phí khoảng 100k/người – chưa gồm ăn sáng.

Chúc quý khách chuyến đi vui vẻ!

Leave a Reply

Note: Comments on the web site reflect the views of their authors, and not necessarily the views of the bookyourtravel internet portal. Requested to refrain from insults, swearing and vulgar expression. We reserve the right to delete any comment without notice explanations.

Your email address will not be published. Required fields are signed with *

*
*